ATIGA 'nóng' trên vùng mía lớn nhất nước!

Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ 1/1/2018 đã khiến ngành mía đường Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với đường nhập khẩu.

Theo đó, giá mía nguyên liệu trong nước đang hạ thấp hơn những năm trước. Trong bối cảnh không thể mong giá mía tăng cao trở lại, người trồng mía ở Gia Lai, vùng mía lớn nhất nước, đang “nóng” với những giải pháp giảm chi phí, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng mía để đảm bảo thu nhập.

Trồng mía cơ giới hóa, cây mía phát triển tốt

Trong khi đường trong nước phải hạ giá để cạnh tranh với đường ngoại nhập, nhất là với đường Thái Lan sau khi ATIGA có hiệu lực, theo đó giá mía nguyên liệu giảm sâu, sự sống còn của người trồng mía ở Gia Lai là giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, chất lượng mía. Song hành cùng nông dân, NM Đường An Khê đã triển khai nhiều biện pháp trong chiến lược phát triển vùng nguyên liệu sắp tới.

Theo ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch HĐQT Cty CP Đường Quảng Ngãi, đơn vị chủ quản của NM Đường An Khê, nhà máy đường lớn nhất Việt Nam hiện nay, để giảm chi phí nguyên liệu, không con đường nào khác là phải cơ giới hóa đồng bộ từ khâu trồng đến khâu thu hoạch và lựa chọn giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với cơ giới hóa.

Theo đó, để ổn định vùng nguyên liệu đủ cung cấp cho nhà máy hoạt động với công suất 18.000 - 25.000 tấn mía cây/ngày thời gian đến, NM Đường An Khê đã nghiên cứu, lựa chọn bộ giống bộ giống mía có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với việc cơ giới hóa để giảm chi phí thu hoạch, vận chuyển, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời nâng cao hiệu quả thu hồi trong chế biến.

Cơ giới hóa thu hoạch mía giảm thất thoát

Trong 1 - 2 năm tới sẽ giảm diện tích trồng các giống mía không phù hợp thu hoạch bằng cơ giới hóa như K59-84, K94-2-483, thay vào đó các giống mía mới Uthong11 và KK3.

“Các giống mía chủ lực ở Gia Lai có năng suất, chất lượng ổn định, nhưng khi đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch thì bộc lộ điểm yếu. Do vậy, sẽ thay bằng những giống mới năng suất, chất lượng cao; mía phát triển đồng đều, cứng cây, thân cây không giòn để dễ thu hoạch bằng máy”, ông Trương Minh Thuận, GĐ Trung tâm Giống mía thuộc Cty CP Đường Quảng Ngãi, phân tích.

Đồng thời, NM Đường An Khê sẽ nâng diện tích trồng mía cơ giới hóa lên trên 80% diện tích. Theo ông Nguyễn Đình Chỉnh, GĐ Xí nghiệp Cơ giới nông nghiệp An Khê (Cy CP Đường Quãng Ngãi), hiện đơn vị đang sở hữu 8 hệ thống thu hoạch mía, bao gồm máy thu hoạch công suất 350 mã lực và các thiết bị trung chuyển; mỗi máy có thể thu hoạch 300 - 400 tấn mía cây/ngày, thay thế được 20 - 30 nhân công/ngày; 250 máy kéo và 700 máy nông nghiệp khác.

“Hiện nay Nhà máy đường An Khê đã áp dụng cơ giới hóa 70% diện tích vùng nguyên liệu, dẫn đầu cả nước, sắp tới sẽ nâng lên 80%. Đặc biệt, thu hoạch mía bằng máy sẽ giảm được thất thoát và tăng chất lượng mía, cả người nông dân lẫn DN đều có lợi. Bởi thu hoạch thủ công phải mất chi phí đốn chặt cao, mất nhiều thời gian cây mía mới về đến nhà máy, chất lượng đường bị giảm”, ông Chỉnh chia sẻ.

Rơ mooc trung chuyển mía lên xe chở về nhà máy
“Với giá mía hiện tại, đối với diện tích mía cơ giới cánh đồng lớn, năng suất bình quân đạt 90 tấn/ha, lợi nhuận từ 15 - 20 triệu đồng/ha; diện tích cơ giới trồng máy năng suất bình quân đạt 80 tấn/ha, lợi nhuận từ 10 - 15 triệu đồng/ha. Trong khi đó, diện tích mía cơ giới trồng thủ công năng suất bình quân chỉ đạt 75 tấn/ha, lợi nhuận 7 - 10 triệu đồng/ha; còn diện tích mía trồng đại trà truyền thống năng suất còn thấp hơn, chỉ 70 tấn/ha, lợi nhuận 5 - 7 triệu đồng/ha; những diện tích đạt năng suất dưới 70 tấn/ha thì nông dân không có lãi”, ông Nguyễn Văn Hòe.

 

ĐÌNH THUNG - ĐĂNG LÂM

https://m.nongnghiep.vn/atiga-nong-tren-vung-mia-lon-nhat-nuoc-post225172.html

cong ty mia duong quang ngai