Giải pháp nào để phát triển vùng mía nguyên liệu ở Quảng Ngãi theo hướng bền vững

Tại buổi làm việc đầu tháng 11 với Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, các sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ và 3 hợp tác xã chuyên canh mía đầu tiên của tỉnh, ông Nguyễn Xuân Huế, Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định Quảng Ngãi không thể bỏ nghề trồng mía. Đây là trách nhiệm chung của tỉnh đối với nông dân trong tỉnh. Vậy tỉnh Quảng Ngãi có những giải pháp nào để phát triển vùng mía nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến theo hướng ổn định và bền vững.

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi, vụ mía năm 2006-2007, diện tích mía tại tỉnh phục vụ chế biến cho hai nhà máy đường Phổ Phong và Quảng Phú khoảng 7.350 ha, ước sản lượng đạt 365.000 tấn, tăng 96.000 tấn so với vụ trước. Mặc dù so với vụ mía trước dự kiến năng suất tăng 20%, sản lượng tăng 44% nhưng cũng mới chỉ đáp ứng từ 55 đến 60% công suất thiết kế của hai nhà máy.
 
     Để đảm bảo nguyên liệu mía cung cấp cho các nhà máy, tỉnh Quảng Ngãi đã có chủ trương phát triển vùng mía ổn định khoảng 9.000 hecta, sản lượng mía hàng năm đạt từ 450 đến 500 nghìn tấn mía nhưng không đạt kế hoạch về diện tích và sản lượng. Năm 2005, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cho phép xây dựng mô hình hợp tác xã chuyên canh mía kết hợp chăn nuôi tại 03 hợp tác xã: Tịnh Giang (Sơn Tịnh), Tú Sơn (Mộ Đức) và Phổ Nhơn (Đức Phổ). Trong vụ mía 2006-2007, diện tích mía tại HTX Tịnh Giang là 80 ha; Tú Sơn 140 ha; Phổ Nhơn 114 ha; các hợp tác xã đã lai tạo và đưa vào sản xuất được các giống mía mới có năng suất và chất lượng khá cao. Tuy nhiên, các hợp tác xã này đang hoạt động cầm chừng, bộ máy quản lý chưa đảm đương nổi công việc; phương án sản xuất kinh doanh mía và dịch vụ chưa được xây dựng, trong đó công tác phối hợp với các nhà máy còn lỏng lẻo. Việc phát triển vùng mía và đầu tư cơ sở hạ tầng cho 3 HTX không kịp thời dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao.
 
     Vậy giải pháp nào cho việc phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng bền vững để ngành mía đường duy trì và phát triển? Theo ông Võ Thành Đàng, giám đốc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, những giải pháp có tính bức bách là tăng năng suất, chất lượng mía, hạ giá thành sản xuất mía cây và chế biến đường, tăng hiệu quả cho người trồng mía nguyên liệu và công nghiệp chế biến đường. Công ty kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi cần có chính sách hỗ trợ sản xuất giống mía mới; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cơ giới hoá trong sản xuất cây mía; hỗ trợ vốn ngân sách cho công tác dồn điền, đổi thửa để hình thành vùng nguyên liệu mía tập trung... Ông Trương Ngọc Nhi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ ra một số tồn tại yếu kém như việc phối hợp giữa các Sở, ngành chức năng, UBND các huyện, Công ty cổ phần đường và các hợp tác xã chuyên canh mía kết hợp với chăn nuôi thời gian qua chưa tốt. Đối với xã viên, Ban chủ nhiệm hợp tác xã, UBND các huyện, xã trong vùng quy hoạch và Công ty cổ phần đường còn ỷ lại rất lớn vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động trong việc phát triển vùng mía đúng với quy hoạch, bố trí đất trồng mía có điều kiện canh tác thấp, dẫn đến năng suất và chất lượng đường mía đạt thấp.
 
     Trước tình hình trên, ông Trương Ngọc Nhi cho rằng doanh nghiệp phải đứng ra để đảm bảo cho nông dân trồng mía theo hướng chuyên canh, trở thành một nghề sản xuất chính bền vững. Trước tiên, tỉnh phải có qui hoạch ổn định; có chính sách đầu tư, hỗ trợ cho người trồng mía tập trung; Công ty cổ phần Đường có giá mua ổn định và theo giá thị trường, có bảo hiểm giá ổn định cho nông dân ít nhất 3 năm. UBND tỉnh sẽ ủy quyền cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký văn bản liên tịch về phát triển vùng nguyên liệu mía giữa địa phương với Công ty cổ phần Đường; tiếp tục củng cố hoạt động của các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã; ưu tiên áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất của các hợp tác xã. Tỉnh cũng sẽ mở rộng các dịch vụ khác cho các hợp tác xã để tăng thu nhập của xã viên và tập trung củng cố các hợp tác xã. Đối với công ty cổ phần đường Quảng Ngãi xây dựng các đề án: phát triển các giống mía mới, dồn điền đổi thửa kết hợp với khai hoang mở rộng diện tích mía. Đối với các huyện chỉ đạo việc xây dựng trụ sở của 3 hợp tác xã; bố trí cán bộ, sắp xếp bộ máy tổ chức và các chế độ hỗ trợ cho cán bộ hợp tác xã; cung cấp các dịch vụ sau mía cho các hợp tác xã như vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật…nhằm tăng năng suất, chất lượng mía.
 
     Ông Nguyễn Xuân Huế, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi phải có trách nhiệm đầu tư vùng mía, Công ty cần cần phải thay đổi hệ thống thiết bị đo chữ đường; công bố giá mua mía cho nông dân và giá mía có bảo hiểm; có chính sách đầu tư hợp lý mang tính ổn định. Làm được những điều đó thì vùng nguyên liệu mía ở Quảng Ngãi mới phát triển bền vững. Thời gian đến, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng đánh giá lại việc xây dựng và phát triển của các hợp tác xã chuyên canh mía kết hợp chăn nuôi, các công trình XDCB và đưa ra giải pháp thực hiện đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình chuyên canh mía, chăn nuôi bò và các giải pháp đồng bộ phát triển hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn tỉnh”…
 
    Còn  đối với việc gia nhập WTO của Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhận định, ngành mía đường sẽ gặp nhiều thách thức hơn là thuận lợi. Do vậy, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi cần xây dựng qui trình hoạt động, nâng cao chất lượng các loại sản phẩm, giảm giá thành, tiết giảm nhân công, chú trọng đào tạo nhân lực. Đặc biệt, riêng đối với cây mía chỉ có nâng năng suất, chất lượng cây mía mới giải quyết được phát triển vùng mía theo hướng ổn định, bền vững trên địa bàn tỉnh.

cong ty mia duong quang ngai