- Trang chủ /
- Truyền thông /
- Tin tức và sự kiện /
- Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi vinh dự được nhận Giải thưởng Sao Khuê năm 2025
Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi vinh dự được nhận Giải thưởng Sao Khuê năm 2025
Sáng ngày 19/4/2025 - tại Lễ công bố và trao giải Sao Khuê 2025, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) vinh dự được nhận giải thưởng dành cho Lĩnh vực kinh tế - công nghiệp với Giải pháp đảm bảo mía nguyên liệu “Chín - Tươi - Sạch”.

Các giải thưởng được trao bao gồm nhiều hạng mục quan trọng, phản ánh sự đa dạng và năng lực sáng tạo của Ngành: 5 giải pháp xuất sắc chuyển đổi số chính phủ, chính quyền, khu vực công; 19 đề cử xuất sắc vì cộng đồng, người dân; 34 đề cử xuất sắc thúc đẩy quản trị doanh nghiệp; 11 giải pháp chuyển đổi số xuất sắc lĩnh vực kinh tế - công nghiệp; 29 giải pháp số xuất sắc lĩnh vực thị trường - tiêu dùng; 26 nền tảng, hạ tầng công nghệ nổi bật; 11 giải pháp đổi mới sáng tạo; 42 sản phẩm phần mềm, dịch vụ mới và 21 giải pháp tiên phong về dịch vụ số.
Đặc biệt, Hội đồng đã lựa chọn 25 đề cử xuất sắc nhất để xếp hạng Sao Khuê 5 sao, ghi nhận những sản phẩm và dịch vụ vượt trội về công nghệ, hiệu quả kinh tế và tác động xã hội. Đây là con số giải thưởng 5 sao cao nhất trong lịch sử của giải. Bên cạnh đó, 9 sản phẩm và dịch vụ tiên phong đã vinh dự được xướng tên trong Top 10 Sao Khuê 2025, hạng mục danh giá nhất của giải thưởng, tập trung vào các lĩnh vực như bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, giáo dục và quản trị hệ thống CNTT.
Xác định chuyển đổi số là tất yếu và vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của Công ty, trong thời gian qua, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi luôn quan tâm và chỉ đạo chặt chẽ không chỉ trong vấn đề đầu tư hạ tầng công nghệ mà còn về con người. Chuyển đổi số được thực hiện ở mọi khía cạnh hoạt động, từ quản lý, sản xuất đến dịch vụ khách hàng nhằm nâng cao hiệu quả và tạo ra giá trị mới.
Thực hiện chuyển đổi số vào công tác nguyên liệu:
Nhà máy Đường An Khê – hiện nay đang là nhà máy sản xuất đường lớn nhất Việt Nam, với diện tích vùng nguyên liệu mía hiện nay >30.000 ha, dự kiến đạt 40.000 ha vào niên vụ 2027-2028. Ước tính sau khi mở rộng, sản lượng mía hàng năm của công ty có thể đạt 3->3,2 triệu tấn.
Với quy mô nhà máy và diện tích vùng nguyên liệu rộng lớn hành chục ngàn ha, cho nên đầu năm 2023, lãnh đạo công ty đã chỉ đạo phòng công nghệ thông tin chuẩn hóa các quy trình và xây dựng giải pháp quản lý vùng nguyên liệu, tiếp nhận, thanh toán tiền mía một cách khoa học và chặt chẽ.
Việc triển khai các ứng dụng nhằm tự động hóa từ khâu cấp phiếu đốn, quản lý bến bãi, cấp số thứ tự, tiếp nhận, cân, xác định hàm lượng đường, thanh toán mía,... đã đem lại hiệu quả cao, giảm được nhiều chi phí, thời gian, nhân sự cũng như mang lại độ chính xác cao. Nhờ ứng dụng hệ thống trực tuyến quản lý vùng nguyên liệu, tiếp nhận, thanh toán tiền mía, các chủ mía hay lái xe không cần phải mất hàng giờ tại cổng nhà máy để chờ đến lượt vào tiếp nhận như trước, giờ đây họ chỉ cần ở nhà và mở ứng dụng lên xem là biết hiện tại đang tiếp nhận xe nào, khoản bao lâu nữa đến lượt xe mình…, bao lâu sẽ được thanh toán tiền mía bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.
Quy trình này đã đảm bảo một trong các tiêu chí mía “CHÍN- TƯƠI – SẠCH”, đó chính là độ tươi của mía - từ lúc thu hoạch đến khi về đến nhà máy bắt buộc trong khoảng thời gian 48h.
1. “Chín” – Thu hoạch đúng thời điểm, nâng cao chữ đường
Công ty đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc dự báo thời điểm thu hoạch tối ưu. Cơ giới hóa các khâu từ cày trồng, chăm sóc, bón phân và thu hoạch mía. Qua việc theo dõi quá trình sinh trưởng, chỉ số độ đường (Brix), và sử dụng thiết bị đo nhanh tại đồng ruộng, mía được thu hoạch khi đạt độ chín sinh lý cao nhất. Điều này giúp đảm bảo nguyên liệu đầu vào có chất lượng tốt nhất, nâng cao hiệu suất chế biến và giảm hao hụt. Lên lịch thu hoạch khoa học dựa trên dữ liệu theo dõi độ chín của từng vùng giống mía, từng vùng nguyên liệu.
2. “Tươi” – Rút ngắn thời gian từ ruộng đến nhà máy:
Để giữ được độ tươi của cây mía, công ty đã tổ chức lại quy trình lên kế hoạch cấp phiếu đốn, điều xe vận chuyển khoa học, đồng bộ với tiến độ thu hoạch. Mô hình “thu hoạch – vận chuyển – ép mía” được triển khai tại nhiều vùng nguyên liệu. Mía sau khi chặt sẽ được đưa về nhà máy trong vòng 48 giờ, giúp hạn chế sự phân hủy đường và duy trì chất lượng tối đa, hạn chế tình trạng suy giảm trữ lượng đường sau khi chặt mía. Ứng dụng hệ thống định vị GPS và phần mềm quản lý để điều phối xe vận chuyển hợp lý, rút ngắn thời gian di chuyển.
3. “Sạch” – Giảm tạp chất, nâng cao chất lượng chế biến
Thông qua các chương trình hướng dẫn người trồng mía áp dụng canh tác sạch, hạn chế dùng thuốc hóa học và tăng cường phân hữu cơ, vùng nguyên liệu của công ty ngày càng được cải thiện. Ngoài ra, quy trình thu hoạch cũng được tiêu chuẩn hóa: mía được chặt sát gốc, tỉa lá sạch, không lẫn đất đá hay rác tạp. Khuyến khích thu hoạch mía bằng máy thu hoạch để giảm lẫn tạp chất và tăng độ sạch của nguyên liệu.
Kết quả và tác động
Nhờ giải pháp “chín - tươi - sạch”, năng suất và chất lượng mía nguyên liệu tăng rõ rệt. Đặc biệt, người trồng mía được hỗ trợ kỹ thuật canh tác, đầu tư giống, phân bón và bao tiêu đầu ra với giá thu mua ưu đãi theo chất lượng, từ đó tạo động lực sản xuất bền vững và nâng cao thu nhập.
Giải pháp đảm bảo mía nguyên liệu “Chín - Tươi - Sạch” của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi áp dụng được 2 niên vụ đã đáp ứng được lợi ích hòa hòa giữa chủ mía và doanh nghiệp, đảm bảo sự công khai, minh bạch trong các khâu cấp phiếu đốn, điều xe vận chuyển và thanh toán tiền mía. Không những tạo động lực cho chủ mía gia tăng diện tích trồng mới, chuyển đổi cây trồng khác sang cây mía vì có lợi cao hơn; mà còn giúp tăng hiệu quả, giảm kinh phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm...
Được biết, đầu năm 2025, Công ty CP Đường Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư mở rộng cụm sản xuất Mía - Đường – Điện hiện đại và lớn nhất cả nước gồm: Nâng công suất ép của Nhà máy Đường An Khê từ 18.000 tấn mía/ngày đến 25.000 tấn mía/ngày; Nhà máy Điện Sinh khối An Khê từ công suất 95 MW lên 135MW; Nhà máy Ethanol An Khê công suất 200.000 lít/ngày. Tổng vốn đầu tư các dự án dự kiến lên đến 4.000 tỷ đồng.
Chương trình Sao Khuê là hoạt động đánh giá chuyên môn tin cậy, uy tín của ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam. Chương trình bình chọn và công nhận các sản phẩm, dịch vụ xuất sắc, uy tín hàng đầu của ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức hàng năm, bắt đầu từ năm 2003. Các sản phẩm, dịch vụ được trao giải thưởng Sao Khuê có chất lượng, hiệu quả vượt trội và luôn được khách hàng tin tưởng, lựa chọn, tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Sau 22 năm triển khai và tổ chức, Giải thưởng Sao Khuê đã được trao cho hàng nghìn lượt sản phẩm, giải pháp phần mềm và dịch vụ CNTT xuất sắc của các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, từ năm 2016, TOP 10 Giải thưởng Sao Khuê ra đời tôn vinh 10 sản phẩm, dịch vụ xuất sắc nhất của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam.
Trong kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa được ký ban hành, Giải thưởng Sao Khuê là CƠ HỘI VÀNG để các doanh nghiệp khẳng định bản sắc và năng lực công nghệ của mình, là bệ phóng cho các sản phẩm, dịch vụ phần mềm Việt Nam, chắp cánh cho thương hiệu CNTT Việt Nam bay cao bay xa hơn nữa và ngày càng khẳng định vị thế của mình trên trường Quốc tế.

Tổng Giám đốc Võ Thành Đàng tại Lễ công bố và trao Giải thưởng Sao Khuê năm 2025 ngày 19/4/2025 tại Hà Nội.

Tổng Giám đốc Võ Thành Đàng tại Lễ công bố và trao Giải thưởng Sao Khuê năm 2025 ngày 19/4/2025 tại Hà Nội.

Thu Hà