Mô hình cánh đồng mía mẫu lớn:Cần nhân rộng

Mô hình cánh đồng mía mẫu lớn:Cần nhân rộng

 Đó là một trong những nội dung được đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu đối với lãnh đạo huyện Đak Pơ và thị xã An Khê trong chuyến kiểm tra, làm việc tại các địa phương vừa qua. Theo đồng chí, cánh đồng mía mẫu lớn là một mô hình thật sự có hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên xóa đói giảm nghèo và từng bước ổn định cuộc sống.

 Từ thực tế triển khai mô hình

Qua kiểm tra thực tế cánh đồng mía cũng như trao đổi với lãnh đạo địa phương, bà con nông dân tại thị trấn Đak Pơ và xã Tân An (huyện Đak Pơ), Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nói riêng, lãnh đạo tỉnh nói chung tỏ ra rất phấn khởi trước những hiệu quả mà mô hình này mang lại thời gian qua.
 

Đưa cơ giới vào sản xuất mía trên cánh đồng lớn.   Ảnh: H.T
Đưa cơ giới vào sản xuất mía trên cánh đồng lớn. Ảnh: H.T

Là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh triển khai thực hiện, từ năm 2013 đến năm 2015, huyện Đak Pơ có 229,7 ha mía theo mô hình cánh đồng lớn với 268 hộ dân tham gia. Niên vụ 2015-2016, huyện đã hỗ trợ 254,5 triệu đồng thực hiện thêm được 5 cánh đồng mẫu lớn với diện tích hơn 65,6 ha, gồm 91 hộ tham gia. Nhà máy Đường An Khê đã thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ khâu cày đất, trồng, bón phân, làm cỏ đến thu hoạch. So với cách sản xuất truyền thống, đại trà trước đây, năng suất mía đã không ngừng tăng lên, bình quân đạt 100 tấn/ha; thậm chí có nơi đạt đến 130 tấn/ha.

Tại cánh đồng mía có diện tích 15 ha thuộc thị trấn Đak Pơ, báo cáo với đoàn công tác của tỉnh, Giám đốc Nhà máy Đường An Khê Nguyễn Văn Hòe cho biết: Trước đây, khu vực này là vùng trũng, một phần diện tích không sản xuất được phải bỏ hoang. Đầu năm 2016, được sự đồng ý và vào cuộc của chính quyền địa phương, Nhà máy đã tiến hành đưa máy móc vào cải tạo và triển khai trồng mía theo cánh đồng lớn. Giải đáp câu hỏi của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang về nguyên nhân tại sao mía mọc không đều và chết ở một số khu vực, ông Hòe phân tích: “Vì đất xấu, hoang hóa, lúc xuống giống mía lại vào thời điểm khắc nghiệt nhất của cơn nắng hạn vừa qua nên tỷ lệ mía sống chỉ đạt 95% và không mọc đều. Đó đã là một nỗ lực đáng ghi nhận của địa phương và Nhà máy trong việc xây dựng cánh đồng mía đối ứng với thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, về phía Nhà máy, chúng tôi cũng sẽ đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới nhằm mang lại hiệu quả cao nhất có thể”.

Trao đổi với lãnh đạo tỉnh, anh Nguyễn Ngọc Tưởng (tổ dân phố 1, thị trấn Đak Pơ), một trong những người tham gia mô hình, vui vẻ nói: “Trước nay ở đây chúng tôi chỉ trồng bắp, mì và cũng có một số hộ trồng mía nhưng năng suất thấp. Được sự vận động của huyện, sự hỗ trợ từ phía Nhà máy Đường An Khê, 27 hộ dân chúng tôi, trong đó có 4 hộ dân tộc thiểu số đã đồng tình dồn điền để làm cánh đồng lớn. Mía lên cây tương đối ổn, hiện Nhà máy đang cùng với chúng tôi tiến hành phun thuốc diệt cỏ cho mía”.

Rời thị trấn Đak Pơ, đoàn công tác tiếp tục thị sát thêm một mô hình nữa tại thôn Tân Hội, xã Tân An. Đại diện lãnh đạo xã Tân An cho hay, năm 2014, xã có 58 hộ dân liên kết với Nhà máy Đường An Khê triển khai thực hiện mô hình trên diện tích 34 ha. Trước những hiệu quả mà mô hình mang lại, xã đã tiếp tục nhân rộng thêm 35 ha với 59 hộ tham gia vào năm 2015 và 27,9 ha với 54 hộ tham gia vào năm 2016, nâng tổng diện tích thực hiện cánh đồng mía mẫu lớn trên địa bàn lên 96,9 ha. Sau 3 năm thực hiện, năng suất mía đạt bình quân 110 tấn/ha (tăng 35 tấn/ha so với cách trồng thủ công).

“Thực hiện mô hình, người trồng mía chúng tôi được bao tiêu sản phẩm, thu lợi nhuận cao. Mùa đầu tiên, sau khi trả tiền đầu tư cho Nhà máy, bà con thu lãi khoảng 30-35 triệu đồng/ha; mùa thứ 2 đến thứ 4, khoảng 50 triệu đồng/ha. Hầu hết nông dân chúng tôi rất đồng tình hưởng ứng”-ông Lê Văn Sáu-Tổ trưởng Tổ hợp tác cánh đồng lớn xã Tân An, phấn khởi chia sẻ.
 

Giám đốc Nhà máy Đường An Khê Nguyễn Văn Hòe cho biết: Sau buổi làm việc và nhận sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Nhà máy đã tiến hành đánh giá lại những thuận lợi, khó khăn, kết quả trong quá trình thực hiện cánh đồng mía mẫu lớn; bổ sung thêm một số hạng mục, chính sách đầu tư. Bên cạnh đó, Nhà máy cũng mong muốn tỉnh sớm ban hành 1 văn bản, giao nhiệm vụ cụ thể cho chính quyền địa phương các cấp liên quan đến cánh đồng lớn cho cây mía, giúp việc phối hợp thực hiện giữa Nhà máy và địa phương được thuận lợi, nhịp nhàng hơn.

Cần đẩy mạnh thực hiện

Sau khi lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp tại ruộng mía, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: Đối với những khu vực khó khăn về địa hình hay thường xuyên chịu ảnh hưởng lớn bởi thiên tai, huyện Đak Pơ và Nhà máy Đường An Khê, nếu có thể, phải cố gắng thực hiện mô hình cánh đồng lớn thành công để cải thiện đời sống, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích cho nhân dân. Đồng thời, trên cơ sở tái cơ cấu nông nghiệp, huyện cũng cần khảo sát, nắm chắc nơi nào có thể triển khai được mô hình để chủ động thực hiện.


Trong buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Thị ủy An Khê mới đây, Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Thị Thanh Lịch đã báo cáo khái quát cũng như nêu lên một số khó khăn, vướng mắc mà thị xã đang gặp phải trong việc triển khai mô hình cánh đồng mía mẫu lớn tại địa bàn. Theo đó, tổng diện tích đất trồng mía của An Khê là 4.000 ha, song diện tích thực hiện mô hình khá khiêm tốn. Nguyên nhân được bà Lịch lý giải là do phần lớn diện tích đất sản xuất của thị xã đã bạc màu; đất liền đồi liền thửa không nhiều; nhận thức của nông dân còn hạn chế, đối với việc tham gia mô hình không mấy mặn mà dù chính quyền địa phương đã phối hợp với Nhà máy thường xuyên tuyên truyền, vận động… Ngoài ra, Bí thư Thị ủy An Khê cũng xin ý kiến của tỉnh và đề xuất các ngành chức năng liên quan giúp thị xã nghiên cứu xây dựng và phát triển vùng chuyên canh nông nghiệp, có thể là cánh đồng mía mẫu lớn tại khu vực rộng 105 ha thuộc vùng bán ngập xã Xuân An.

Trước thực tế này, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã yêu cầu Ban Thường vụ Thị ủy An Khê cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hơn nữa để đẩy mạnh thực hiện cánh đồng mía mẫu lớn. Theo đồng chí, thị xã có nhiều điều kiện thuận lợi hơn các địa phương khác cùng khu vực khi Nhà máy Đường An Khê đứng chân ngay trên địa bàn; nhân dân đa số là người Kinh nên có trình độ và khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, thời gian tới, thị xã cần phối hợp với Nhà máy và người dân để khảo sát, quy hoạch, chọn địa hình phù hợp để triển khai thực hiện mô hình này, sao cho đến năm 2017, An Khê phải đạt ít nhất 1.000 ha mía cánh đồng mẫu lớn trên tổng diện tích 4.000 ha đất trồng mía hiện có.

http://baogialai.com.vn/channel/8208/201607/mo-hinh-canh-dong-mia-mau-loncan-nhan-rong-2444416/

cong ty mia duong quang ngai