- Trang chủ /
- Truyền thông /
- Tin tức và sự kiện /
- Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re
Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re
(GIA LAI) Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.
Loại giống cũ, không để mía 'khát'
Niên vụ ép 2023 - 2024 của Nhà máy đường An Khê (đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi) đã qua được hơn nửa chặng đường. Trong suốt vụ thu hoạch, đi đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận được không khí phấn khởi trên gương mặt của những chủ ruộng mía trong vùng nguyên liệu của Nhà máy đường An Khê thuộc các huyện, thị: Kbang, Đăk Pơ, Kông Chro và thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai).
Ông Nguyễn Văn Quy (65 tuổi) là người đang sản xuất hơn 100ha mía ở xã Kông Pla (huyện Kbang, Gia Lai), "hậu duệ" đời thứ 3 của gia đình có truyền thống canh tác mía. Quê ông Quy ở Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), trước năm 1975, những bậc tiền nhân của gia đình ông đã gắn đời với cây mía. Năm 1989, ông Quy đưa gia đình lên huyện Kbang định cư và tiếp tục gắn bó với cây mía theo truyền thống của cha ông. Ngoài diện tích mía của gia đình, ông Quy còn tham gia nhóm hộ có sở thích trồng mía và làm thêm 30ha nữa.
Một số diện tích mía của ông Nguyễn Văn Quy ở xã Kông Pla (huyện Kbang, Gia Lai) không bằng phẳng, tập trung nên không thể cơ giới hóa khâu thu hoạch. Ảnh: V.Đ.T.
Với bề dày kinh nghiệm trong nghề trồng mía, ông Quy nhận thấy sản xuất mía bây giờ khác xa so với lúc còn sản xuất mía tại Quảng Ngãi. Bây giờ làm mía khỏe re, máy móc làm hết, người trồng cứ đến vụ thu hoạch là… đếm tiền lãi. “Nếu làm mía ở Gia Lai mà còn theo kiểu thủ công như hồi còn ở Quảng Ngãi thì làm sao tôi làm được đến 130ha như hiện nay. Bây giờ làm mía được cơ giới hỗ trợ hết mức, mình không phải động tay động chân bao nhiêu”, ông Quy bộc bạch.
Ông Quy cho biết thêm: Làm mía nguyên liệu cho Nhà máy đường An Khê, ngay từ đầu vụ, người trồng mía được Nhà máy đầu tư phân bón, đầu tư cơ giới hóa từ công đoạn cày đến thu hoạch, khoản chi phí này Nhà máy cho nợ mà không tính lãi. Đến thời điểm thu hoạch, nhập mía về Nhà máy, khi ấy Nhà máy mới tính toán khoản nợ của mỗi hộ và trừ trong tiền bán mía.
“Mỗi năm tôi nợ của Nhà máy các khoản phải đến gần 2 tỷ đồng mà không lo lắng gì, cuối vụ bán mía là tôi thanh toán hết, năm này qua năm kia đều như vậy. Đó là sự ưu đãi lớn của Nhà máy, người trồng mía không phải bỏ tiền vốn mà vẫn cầm được tiền lãi”, ông Quy phấn khởi.
Cũng theo ông Quy, năng suất mía của ông hiện đạt 75 tấn/ha, cao hơn khoảng 15 tấn/ha so với cách dây 10 năm, ấy là ngoài nhờ mấy năm nay thời tiết thuận lợi, còn nhờ vào giống mía có chất lượng.
Để ổn định vùng nguyên liệu đủ cung cấp cho Nhà máy hoạt động với công suất 20.000 - 25.000 tấn mía nguyên liệu/ngày, thời gian qua, Nhà máy đường An Khê đã nghiên cứu, lựa chọn bộ giống mía có năng suất, chất lượng cao. Những giống mới này phù hợp với việc cơ giới hóa để giảm chi phí thu hoạch, vận chuyển, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời nâng cao hiệu quả thu hồi trong chế biến.
Năng suất mía trong vùng nguyên liệu Đông Gia Lai hiện đạt bình quân 77 tấn/ha. Ảnh: V.Đ.T.
Những năm qua, nông dân trong vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai (tỉnh Gia Lai) đã giảm diện tích trồng các giống mía không phù hợp cho thu hoạch bằng cơ giới hóa như K59-84, K94-2-483, thay vào đó là các giống mía mới có chất lượng, năng suất cao như Uthong11 và KK3.
Về nước tưới, nếu gặp nắng hạn như năm nay, do trên địa bàn không có hệ thống thủy lợi nên nông dân trồng mới trong vùng nguyên liệu mía sẽ được Nhà máy đường An Khê hỗ trợ tiền nước tưới 1,5 triệu đồng/ha. Với khoản tiền trên, nông dân tận dụng nước ao hồ và múc nước của các con suối nhỏ trữ lại để tưới cho cây mía mới trồng.
“Nhờ cơ giới hóa và công suất ép của Nhà máy lớn nên nông dân yên tâm trồng mía với diện tích lớn và cây mía cho hiệu quả cao. Trong niên vụ ép 2023 - 2024, diện tích mía của tôi hiện đã thu hoạch được 40%, từ nay đến trước 30/4 sẽ thu hoạch hết”, ông Nguyễn Văn Quy cho hay.
Bỏ cây trồng khác quay về trồng mía
Theo anh Trần Văn Dư, người đang trồng gần 100ha mía ở xã An Thành (huyện Đăk Pơ, Gia Lai), trước khi Nhà máy đường An Khê có mặt tại Gia Lai, vị thế cây mía ở An Khê còn rất mờ nhạt, nông dân sản xuất manh mún, mỗi hộ chỉ làm một vài đám mía Thái Lan với hình thức trồng cho có chứ không mang lại hiệu quả gì.
Hiện nay người làm mía ở Gia Lai chỉ cần có đất, còn tất cả các khâu từ trồng đến thu hoạch đều do Nhà máy đường An Khê thực hiện. Ảnh: V.Đ.T.
Lúc ấy anh Dư chưa làm mía. Bao nhiêu đất gia đình anh đầu tư hết cho người dân địa phương trồng các loại nông sản như bắp (ngô), mì (sắn), đậu xanh, sau đó anh thu mua lại để kinh doanh. Từ khi Nhà máy đường An Khê hoạt động, anh Dư thu hồi khoảng 70ha đất của gia đình đã đầu tư cho dân để chuyển sang trồng mía từ đó đến nay.
“Từ khi trồng mía nguyên liệu cho Nhà máy đường An Khê, cuộc sống của người dân địa phương bắt đầu khởi sắc, nhiều hộ trở nên giàu có. Nếu không trồng mía mà làm những cây trồng khác, chắc chắn cuộc sống của người dân trong vùng Đông Gia Lai chẳng thể tươi sáng như hôm nay. Cây mía không chỉ cho người dân cuộc sống ấm no, mà còn cho tiền tích lũy để lo những việc lớn cho gia đình”, anh Trần Văn Dư bộc bạch.
Anh Dư cho biết thêm: Nếu có diện tích trồng mía tập trung, đất bằng phẳng, hội đủ điều kiện thuận lợi để cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch thì đạt hiệu quả rất cao. Vì lao động hiện nay rất khan hiếm, hàng năm, sau Tết Nguyên đán là lao động làm mía kiếm không ra. Bởi khi trời nắng lên là đồng bào dân tộc thiểu số dồn hết lên rẫy để canh tác mía của gia đình, trời mưa xuống thì họ lại đổ xô đi bơm thuốc phòng trừ bệnh, chăm sóc cho cây mía của mình chứ không còn thời gian đi làm mía cho người khác.
Nhà máy đường An Khê nghiên cứu nhiều giống mía mới có năng suất, chất lượng cao cung ứng cho nông dân. Ảnh: V.Đ.T.
“Công chặt mía ở Đăk Pơ thời gian trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn là 140.000đ/tấn; công chất mía mấy năm trước là 70.000đ/tấn nhưng trước Tết Nguyên đán năm nay đã tăng lên 80.000đ/tấn mà kiếm người làm không ra. Năm nay Nhà máy thu mua mía nguyên liệu với giá 1,1 triệu đồng/tấn (10 chữ đường) tại ruộng, cộng hỗ trợ chi phí vận chuyển nữa là khoảng 1,2 triệu đồng/tấn. Sau khi trừ tất tần tật mọi chi phí, người trồng còn lãi được khoảng 900.000đ/tấn, một khoản lãi trong mơ của người trồng mía”, anh Trần Văn Dư phấn khởi chia sẻ.
Anh Trần Đình Sơn ở thôn Tú Thủy, xã Tú An (thị xã An Khê, Gia Lai) năm nay 48 tuổi nhưng đã có 18 năm gắn đời với cây mía, chừng ấy thời gian sản xuất mía nhưng chưa khi nào anh thấy cây mía cho hiệu quả cao như những năm gần đây.
“Trước đây, năng suất mía bình quân ở An Khê chỉ đạt khoảng 60 tấn/ha, nay đã tăng đến 75 tấn/ha. Với giá thu mua như hiện nay, người trồng mía còn lãi ít nhất cũng hơn 40 triệu/ha, người lãi nhiều 50 - 70 triệu đồng/ha. Làm mía bây giờ sướng lắm, mình chỉ có đất, còn lại giao hết cho Xí nghiệp Cơ giới nông nghiệp An Khê thực hiện từ công đoạn làm đất đến thu hoạch, cuối vụ nông dân chỉ kiếm công chất lên xe chở về nhà máy rồi… đếm tiền lời”, anh Sơn vui vẻ nói.
Niên vụ 2023 - 2024, Nhà máy đường An Khê thu mua mía nguyên liệu với giá 1,1 triệu đồng/tấn (10 chữ đường) tại ruộng, người trồng mía có lãi to. Ảnh: V.Đ.T.
Theo ông Lê Văn Bộ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tú An (thị xã An Khê, Gia Lai), diện tích mía của HTX đã 100% thực hiện cơ giới hóa các công đoạn cày, chăm sóc, bón phân… và khoảng 30% diện tích đã cơ giới hóa động bộ từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch.
Vũ Đình Thung