- Trang chủ /
- Truyền thông /
- Tin tức và sự kiện /
- Nông dân Kbang chủ động xây dựng cánh đồng mía lớn
Nông dân Kbang chủ động xây dựng cánh đồng mía lớn
(GLO)- Ở huyện Kbang, cây mía có thể xem là cây trồng ngắn ngày chủ lực của người dân với tổng diện tích 10.238 ha. Tuy nhiên, trong thời gian qua, hiệu quả kinh tế của cây mía mơi đây chưa cao, trung bình năng suất đạt khoảng 60-65 tấn/ha, lợi nhuận 15-20 triệu đồng/ha. Ngoài tập quán sản xuất còn lạc hậu của bà con thì nguyên nhân là do quy mô còn nhỏ lẻ, diện tích chủ yếu 0,5-2 ha/hộ nên việc cơ giới hóa, thực hiện quy trình chăm sóc đầu tư chưa đồng bộ và khó khăn.
Người dân xã Kông Pla thu hoạch mía. Ảnh: N.C.Đ |
Để tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân không còn cách nào khác là tuyên truyền, vận động họ tham gia cách đồng lớn sản xuất mía. Để thực hiện điều này, niên vụ 2015-2016, huyện Kbang đã chọn làng Lợt (xã Kông Pla) để triển khai thực hiện mô hình cánh đồng lớn sản xuất mía với diện tích 8,6 ha của 10 hộ người Bahnar tham gia. Qua thu hoạch, năng suất mía đạt 110 tấn/ha, tăng gần gấp đôi so với trước.
Ông Đinh Chôi (làng Lợt, xã Kông Pla) phấn khởi cho biết: “Qua tập huấn, hội thảo đầu bờ niên vụ 2014-2015, tôi được hướng dẫn, phân tích lợi ích từ việc thực hiện cánh đồng lớn đối với cây mía. Ngoài ra, được Nhà máy Đường An Khê cho bã bùn không thu tiền để chăm sóc mía và giảm 20% công làm đất đến trồng mía nên tôi đã vận động 9 hộ trong làng tham gia, không ngờ, năng suất đạt cao như vậy. Năm nay, tôi tiếp tục vận động bà con tham gia mô hình này”.
Đến nay, không chỉ người dân làng Lợt mà bà con người Bahnar ở làng Klôm, làng Groi (xã Kông Pla) cũng đã tham gia cánh đồng lớn sản xuất mía với diện tích 38,55 ha của 37 hộ tham gia.
Ông Đoàn Thanh Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang cho biết: “Theo kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn sản xuất mía niên vụ 2016-2017, huyện triển khai thực hiện 7 cánh đồng lớn tại 7 xã. Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện mô hình cánh đồng lớn tại làng Lợt (xã Kông Pla) đem lại hiệu quả kinh tế rất cao nên bà con đã tích cực tham gia với 9 cánh đồng lớn”.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế mà mô hình này đem lại thì Nhà máy Đường An Khê cũng đã tích cực cùng địa phương đồng hành với người dân thông qua những chính sách hỗ trợ hết sức thiết thực như: hỗ trợ không thu tiền 50 tấn phân bã bùn/ha để cải tạo đất cánh đồng lớn; cho người dân nợ mà không tính lãi suất trong quá trình đầu tư cánh đồng lớn; thu mua nguyên liệu trực tiếp đến nhóm hộ, tổ hợp tác thực hiện cánh đồng lớn với giá thấp nhất là 950.000 đồng/tấn tại ruộng và tùy theo thị trường, Nhà máy có thể mua với giá 1.200.000 đồng/tấn mía 10 CCS (chữ đường), năng suất đảm bảo đạt 100 tấn/ha trở lên…
Ngoài ra, khi tham gia cánh đồng lớn, người dân còn được UBND huyện hỗ trợ 7 triệu đồng/ha đối với mía năm nhất, 5 triệu đồng/ha đối với mía lưu gốc năm hai, 3 triệu đồng/ha với mía lưu gốc năm ba và 2,5 triệu đồng/ha cây mì khi phá bỏ để trồng lại theo mô hình cánh đồng lớn. Với cách làm hết sức cụ thể, thiết thực như vậy, bà con đã tích cực tham gia. Đến nay, toàn huyện đã cơ bản hoàn thành việc xuống giống đối với 9 cánh đồng lớn trên 7 xã với tổng diện tích 383,6 ha của 282 hộ tham gia, trong đó có 227 hộ đồng bào Bahnar ở 11 làng tham gia. Cánh đồng lớn sản xuất mía diện tích nhỏ nhất là 30,06 ha (làng Lợt, xã Đak Hlơ); diện tích lớn nhất là 58,74 ha (làng Bờ, xã Kông Lơng Khơng).
Với năng suất và giá trị như hiện nay, người dân tham gia cánh đồng mía lớn đạt lợi nhuận thấp nhất khoảng 45-50 triệu đồng/ha (cao gấp đôi so với trước đó) và còn có thể cao hơn. Qua quá trình triển khai thực hiện mô hình này, người dân trên địa bàn huyện Kbang đã nhận thức đầy đủ, tự giác tham gia, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững và phong trào thi đua chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.